CEO Microsoft Việt Nam: Doanh nghiệp Việt cần nghĩ xa hơn – Báo VnExpress

14/04/2025

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, CEO Microsoft Việt Nam, cho biết tập đoàn đánh giá cao sự năng động của doanh nghiệp Việt, nhưng cho rằng họ cần nhìn xa hơn để tồn tại lâu dài.

Microsoft là hãng công nghệ toàn cầu đầu tiên trong nhóm Big Tech Mỹ (bao gồm Microsoft, Apple, Amazon, Google, Meta) có mặt tại Việt Nam từ 1996. Tập đoàn cũng là Big Tech duy nhất thành lập đội ngũ R&D trong nước. Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, CEO Microsoft Việt Nam, chia sẻ với VnExpress quan điểm về thị trường, điểm yếu trong chuyển đổi số của doanh nghiệp, và kỳ vọng đóng góp của tập đoàn cho việc triển khai Nghị quyết 57.

CEO Microsoft Nguyễn Quỳnh Trâm trả lời phỏng vấn VnExpress, tháng 3/2025. Ảnh: Phùng Tiên

CEO Microsoft Việt Nam Nguyễn Quỳnh Trâm trả lời phỏng vấn VnExpress, tháng 4/2025. Ảnh: Phùng Tiên

– Là Big Tech đầu tiên có mặt tại Việt Nam, Microsoft đánh giá thế nào về thị trường này so với khu vực và thế giới?

– Trong gần 30 năm qua, Việt Nam luôn là một trong những thị trường quan trọng trong khu vực của Microsoft. Điểm mạnh của Việt Nam là một quốc gia trẻ và năng động, có dân số khoảng 100 triệu người, xếp thứ ba Đông Nam Á và thứ 16 thế giới, với 67% thuộc độ tuổi lao động.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định và nổi bật. Năm 2024, GDP Việt Nam tăng 7%, hơn 2 điểm so với 2023 và được coi là một trong những nền kinh tế tăng trưởng vững và nhanh nhất, là "ngôi sao" của khối ASEAN, theo HSBC. Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá đây là mức tăng trưởng đáng kể trong khu vực.

Đặc biệt, người dân rất yêu thích công nghệ. Tính đến tháng 1, Việt Nam có 80 triệu người dùng Internet, tức chiếm 80% dân số. Tỷ lệ sử dụng di động cũng hơn 90% dân số. Những con số này rất ấn tượng, ngay cả quốc gia có kinh tế phát triển cũng khó đạt được.

Hơn 20 năm sống và làm việc ở thị trường châu Âu và châu Á, tôi nhận thấy khác biệt lớn nhất của Việt Nam là người dân rất cởi mở về công nghệ, thích trải nghiệm mà không cần lý do gì và thích ứng nhanh với mọi thứ. Ở châu Âu, việc sử dụng công nghệ có thể bị hạn chế bởi thói quen, ví dụ người dân thích ra ngân hàng giao dịch trực tiếp, có vấn đề sẽ nhờ chuyên gia tư vấn. Còn ở Việt Nam, nếu thấy tiện lợi và tiết kiệm thời gian, người dùng sẽ chọn công nghệ và sẵn sàng chia sẻ cho những người xung quanh.

Đây cũng là đặc điểm của các doanh nghiệp Việt Nam, đa số ở quy mô vừa và nhỏ. Chúng tôi đánh giá cao họ ở sự năng động, cởi mở, thích nghi với công nghệ và tò mò tìm hiểu cái mới. Doanh nghiệp thường xuyên liên lạc với chúng tôi hoặc tham gia các hội thảo để tìm hiểu những công nghệ tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả và an toàn nhất để áp dụng.

– Với những lợi thế đó, 30 năm qua, chiến lược đầu tư của Microsoft vào Việt Nam có gì thay đổi?

– Tại Việt Nam, Microsoft cung cấp dịch vụ và sản phẩm gián tiếp tới người dùng cuối thông qua mạng lưới đối tác. Những năm đầu khi mới vào, chúng tôi chỉ có một vài đối tác quy mô nhỏ. Hiện mạng lưới đã tăng lên hơn 1.200, từ các công ty vừa và nhỏ đến doanh nghiệp lớn, tạo việc làm cho hơn 100.000 người.

Các đối tác của chúng tôi được phân theo năng lực chuyên môn của họ về các sản phẩm và giải pháp của Microsoft. Một phần không nhỏ doanh thu của họ sẽ liên quan trực tiếp đến việc bán các sản phẩm của tập đoàn. Quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ các công ty Việt Nam để phục vụ cho chính doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

– Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chọn sản phẩm miễn phí để tối ưu hóa chi phí thay vì mua phần mềm bản quyền. Việc này tác động tới Microsoft nói riêng và các công ty công nghệ nói chung khi mở rộng thị trường tại Việt Nam thế nào?

Trong giai đoạn khám phá ban đầu, việc người dùng thử và trải nghiệm những sản phẩm khác nhau là điều hoàn toàn bình thường. Do đó, một hãng công nghệ khi ra mắt sản phẩm mới muốn thu hút được người dùng cũng sẽ cho trải nghiệm miễn phí trong một thời gian, hoặc với một vài tính năng của sản phẩm.

Tuy nhiên, sau khi thử, người dùng – đặc biệt là các doanh nghiệp – sẽ xác định sản phẩm phù hợp nhất để áp dụng vào công việc, làm sao đảm bảo tính an toàn bảo mật, ổn định lâu dài và gắn bó với nó. Đây là cách để các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, cũng như tôn trọng bản quyền và giá trị trí tuệ của sản phẩm. Ngoài ra, với bản trả phí, người dùng được bảo vệ nếu họ gặp vấn đề hay sự cố.

Thật ra, cái gì miễn phí sẽ không hề rẻ. Bởi người dùng sẽ phải trả cái giá khác mà họ không lường trước được, ví dụ tính an toàn bảo mật của thông tin doanh nghiệp hay dữ liệu cá nhân. Do đó, doanh nghiệp cần có tầm nhìn toàn diện để nhận ra những rủi ro này.

– 98% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra thực tế doanh nghiệp "không muốn lớn". Quan điểm của bà thế nào?

– Theo tôi, không phải doanh nghiệp không muốn lớn, mà có thể họ chưa suy nghĩ toàn diện và chưa coi trọng sự phát triển lâu dài, bền vững.

Mỗi doanh nghiệp thường gặp rất nhiều vấn đề, như thị trường cạnh tranh, áp lực doanh thu hay tìm kiếm hợp đồng. Nếu quá tập trung vào giải quyết tình huống, có tầm nhìn ngắn hạn, sẽ khó đạt tăng trưởng bền vững. Doanh nghiệp lên kế hoạch với tầm nhìn 3-5 năm sẽ rất khác so với chỉ đặt mục tiêu doanh thu từng năm.

Tôi cho rằng việc dân số trẻ chiếm tỷ trọng cao cũng phần nào tạo ra thực tế không suy nghĩ quá sâu xa. Ở các thị trường có độ tuổi lao động cao hơn, họ bao giờ cũng nghĩ xa hơn. Giống như con người, khi còn trẻ thường không nghĩ nhiều về tương lai mà chỉ tập trung vào hiện tại, thiếu hoạch định lâu dài. Doanh nghiệp cũng vậy.

Theo tôi, thời gian chính là "nguồn vốn" bình đẳng nhất, và không thể mua được. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tận dụng vốn này. Lợi thế của họ là khả năng đổi mới sáng tạo bởi quy mô nhỏ nên chuyển đổi và thích nghi nhanh với công nghệ mới. Trong khi đó, doanh nghiệp quy mô lớn, lâu đời mất rất nhiều thời gian do bộ máy cồng kềnh.

Hiện ngày càng nhiều giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân làm việc hiệu quả hơn. Trong ảnh là một sản phẩm trợ lý ảo được giới thiệu tại Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN). Ảnh: Quỳnh Trần

Một giải pháp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân làm việc hiệu quả hơn, tại Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023). Ảnh: Quỳnh Trần

Doanh nghiệp nên ứng dụng công nghệ để chuẩn hóa quy trình ngay từ quy mô nhỏ, lựa chọn những sản phẩm giúp phát triển bền vững, đồng thời đầu tư thời gian nghiên cứu và lên chiến lược kinh doanh lâu dài để mở rộng quy mô.

Ví dụ, doanh nghiệp có thể sử dụng AI để thực hiện công việc đơn giản, lặp đi lặp lại như thủ tục hành chính, tra cứu quy định pháp luật, soạn thảo hợp đồng… Cách này giúp tiết kiệm nguồn lực lớn, nhân viên tập trung vào những việc quan trọng, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Nghiên cứu năm 2024 của Microsoft kết hợp với Forrester Consulting cho thấy, trong vòng ba năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đầu tư triển khai Microsoft 365 Copilot có thể đạt mức hoàn vốn đầu tư (ROI) từ 132% đến 353%. Họ còn có thể tăng 6% doanh thu ròng và giảm 20% chi phí vận hành, rút ngắn 25% quá trình đào tạo nhân viên mới.

– Một trong những mục tiêu của Microsoft Việt Nam là thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên tất cả các ngành. Bà đánh giá thế nào về khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt?

Tôi cảm nhận bước tiến lớn nhất trong chuyển đổi số ở Việt Nam vài năm gần đây là sự gia tăng nhận thức và độ hiểu biết của các tổ chức, doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ. Thị trường có tư duy mới về chuyển đổi số, quan tâm hơn đến các công nghệ như dữ liệu lớn, đám mây… và gần nhất là trí tuệ nhân tạo.

Chẳng hạn năm 2020, ngân hàng Sacombank lần đầu tổ chức đại hội cổ đông bán trực tuyến bằng ứng dụng Microsoft Teams. Gần đây, họ tiếp tục ký hợp tác chiến lược với Microsoft về dữ liệu và AI nhằm thay đổi các dịch vụ của ngân hàng và cách tương tác với khách hàng. Các nền tảng của tập đoàn cũng được áp dụng trên hệ thống của Techcombank, Vietnam Airlines, FPT…

Đối với doanh nghiệp nhà nước, thời gian chuyển đổi số sẽ chậm hơn một chút. Lý do là hệ thống của công ty nhà nước phức tạp hơn và liên quan đến thông tin và dữ liệu quan trọng. Vừa qua, chúng tôi đã làm việc với một số đơn vị như Bộ Tài chính và các cơ quan thuế… để thảo luận về việc triển khai chuyển đổi số tại đây.

– Bà định nghĩa thế nào là một doanh nghiệp chuyển đổi số thành công?

– Để một doanh nghiệp có thể thành công trong chuyển đổi số có ba yếu tố: con người, quy trình, và công nghệ.

Con người phải sẵn sàng thay đổi tư duy theo hướng ứng dụng công nghệ để xây dựng kế hoạch kinh doanh sao cho cạnh tranh hơn.

Sau đấy, doanh nghiệp cần xem lại quy trình đã tốt chưa, có gì trùng lặp hay bất hợp lý không, có cho phép thực hiện mục tiêu đặt ra không, hoặc có thể thay đổi bằng cách áp dụng công nghệ ở những giai đoạn nào. Nếu ứng dụng công nghệ vào một quy trình đã lạc hậu sẽ trở thành gánh nặng cho công ty, lãng phí nguồn lực để duy trì hệ thống "sai" ấy.

Khi đã có quy trình tốt, công nghệ mới tham gia ở khâu cuối cùng. Áp dụng đúng công nghệ, đúng mức, đúng thời điểm, doanh nghiệp mới chuyển đổi số thành công. Còn nếu chỉ áp dụng một công đoạn, hoặc mua một số sản phẩm về sử dụng đơn lẻ, tỷ lệ thành công lâu dài sẽ rất thấp. Bởi điều quan trọng nhất khi triển khai một giải pháp công nghệ là con người phải tương tác được để cải thiện trong công việc, cuộc sống hàng ngày, giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất và hiệu quả.

Theo tôi, doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn ở hai yếu tố đầu tiên. Chuyển đổi số thành công không đơn thuần dừng lại ở việc áp dụng được công cụ công nghệ, mà điều quan trọng nhất phải đến từ văn hóa, tư duy của lãnh đạo và nhân viên, bất kể quy mô. Doanh nghiệp không biết mình muốn gì, không tư duy đến nơi đến chốn nhưng đã vội áp dụng công nghệ sẽ dễ vấp phải sai lầm.

– Microsoft trở thành Big Tech đầu tiên có đội ngũ nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Lý do tập đoàn quyết định đầu tư dự án này?

– Năm 2024, chúng tôi thành lập một đội kỹ sư R&D tại văn phòng ở Hà Nội và TP HCM. Trong khu vực châu Á, trước Việt Nam, Microsoft đã có các trung tâm R&D ở Trung Quốc, Nhật và đảo Đài Loan với hơn 6.000 nhà khoa học và kỹ sư. Với mục tiêu phát triển quy mô lớn và lâu dài, đội ngũ R&D Việt Nam đang lập trình và phát triển các giải pháp Microsoft 365 không chỉ cho riêng thị trường trong nước, mà cho cả thị trường toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu và phát triển Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương (Microsoft APRD) hiện có hơn 6.000 nhà khoa học và kỹ sư tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật và Đài Loan. Ảnh: Microsoft.

Một văn phòng của Microsoft châu Á – Thái Bình Dương (Microsoft APRD). Ảnh: Microsoft

Microsoft lựa chọn Việt Nam bởi nền kinh tế năng động, nhân lực trẻ, tài năng và đặc biệt là hệ thống giáo dục có nhiều chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ. Việt Nam hiện có hơn 670.000 kỹ sư lập trình, một lực lượng khá hùng hậu, và là quốc gia có nhiều thế mạnh về lập trình, cung cấp tất cả dịch vụ, từ tạo trang web đến xây dựng ứng dụng. Chúng tôi đánh giá nhân lực công nghệ ở Việt Nam chất lượng cao, phát triển nhanh, kể cả những sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường.

– Cuối 2024, Việt Nam ban hành Nghị quyết 57 nhằm đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực phát triển mới của quốc gia. Các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft mong muốn tham gia thế nào vào quá trình này?

– Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp công nghệ như Microsoft sẽ có cơ hội tham gia một cách tích cực, cùng làm việc với cơ quan nhà nước để góp ý về chính sách trong lĩnh vực công nghệ mới như điện toán đám mây, AI, dữ liệu lớn, IoT, hay blockchain.

Trong 50 năm hoạt động tại hơn 150 quốc gia, chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm triển khai thực tế có thể hữu ích cho Việt Nam. Nhiều quốc gia cũng có bài toán tương đồng với Việt Nam, do đó có thể học hỏi từ họ để xây dựng chính sách sao cho Việt Nam xác định được con đường hiệu quả, rút kinh nghiệm từ các nước đi trước thay vì phải suy nghĩ từ đầu.

Ngoài ra, chúng tôi luôn ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với cơ quan Chính phủ trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là triển khai Nghị quyết 57 bởi cùng chung mục tiêu thúc đẩy và phát triển khoa học công nghệ.

Tôi ấn tượng khi nhìn lại kết quả phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Việt Nam hiện nằm trong top 50 quốc gia về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, thuộc nhóm nước cấp 1 – cấp cao nhất – về Mức độ An toàn thông tin mạng. Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách cụ thể như Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo đến 2030, lĩnh vực Microsoft đang đẩy mạnh đầu tư.

Việc Việt Nam ưu tiên các chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lý do giúp các tập đoàn lớn như Microsoft rất muốn hợp tác lâu dài nhằm đóng góp một phần vào thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam.

Thu Hằng – Bảo Lâm

Góp ý kiến tạo

Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ trưởng, thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ

Gửi góp ý

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *