Vì sao hàng nghìn người bắt đầu hoảng loạn khi pin điện thoại chạm mốc 38%?

15/04/2025

Trong thời đại điện thoại thông minh và thiết bị di động lên ngôi, pin vẫn là nỗi lo hàng đầu của người dùng. Dù giới nghiên cứu không ngừng tìm kiếm giải pháp thay thế pin lithium-ion, các nhà sản xuất hiện tại chủ yếu vẫn dựa vào phần mềm để tối ưu hiệu suất sử dụng. Tuy nhiên, một khảo sát mới đây tiết lộ: người dùng bắt đầu cảm thấy lo lắng về pin… sớm hơn bạn nghĩ.

Theo khảo sát trực tuyến do Talker Research thực hiện tại Mỹ, người dùng bắt đầu "bồn chồn" khi pin điện thoại còn 38% – một mức mà nhiều người có thể cho là khá "dư dả". Ví dụ, iPhone thường chỉ hiện cảnh báo khi pin giảm xuống dưới 20%.

Vì sao hàng nghìn người bắt đầu hoảng loạn khi pin điện thoại chạm mốc 38%?- Ảnh 1.

Trong số 2.000 người tham gia khảo sát, phần lớn thừa nhận rằng họ bắt đầu thấy lo ngay cả trước khi điện thoại đưa ra cảnh báo chính thức của Apple. Cụ thể, 34% cho biết họ bắt đầu để ý đến pin khi máy hiện thông báo bật chế độ tiết kiệm năng lượng ở mức 20%. 24% cảm thấy không yên tâm ngay cả khi pin chưa đến mức 50%. Trong khi đó, chỉ 13% là nhóm "bình tĩnh" nhất – họ không lo lắng cho tới khi pin xuống dưới 10%.

Kết quả cũng cho thấy độ tuổi có ảnh hưởng rõ rệt tới mức độ lo lắng về pin. Người trẻ (Millennials và Gen Z – sinh sau 1981) tỏ ra nhạy cảm hơn, thường bắt đầu lo khi pin chạm mức 43%. Thế hệ Gen X (1965 – 1980) lo ở ngưỡng 38%, còn Boomers (1946 – 1964) khá "lì lợm", chỉ thấy lo khi pin xuống 34%.

Ngoài ra, 61% người tham gia khảo sát cho biết họ bật hiển thị phần trăm pin chính xác, thay vì chỉ nhìn biểu tượng cột pin đơn giản như 39% còn lại.

Sự suy giảm tuổi thọ pin theo thời gian cũng là nguồn cơn chính của lo lắng. Dù hiện nay chưa có giải pháp ngăn chặn hoàn toàn hiện tượng chai pin lithium-ion, các hãng lớn như Apple hay Google đã tung ra một số tính năng phần mềm để giảm bớt tác động.

Chẳng hạn, Apple có chế độ sạc tối ưu – giới hạn việc sạc đầy trên 80% nhằm kéo dài tuổi thọ pin. Trong khi đó, Pixel 9a mới của Google tự động điều chỉnh giới hạn pin tối đa sau mỗi 200 chu kỳ sạc để giảm thiểu tình trạng xuống cấp.

Ngoài phần mềm, sạc dự phòng vẫn là lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, một số hãng đang thử hướng tiếp cận phần cứng. Ví dụ, Oukitel mới ra mắt điện thoại WP100 Titan với pin khổng lồ 33.000 mAh – đổi lại thiết bị sẽ to và nặng hơn bình thường, nhưng có thể hoạt động liên tục hàng chục giờ và chờ đến vài tháng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *